Kết cục vương triều Ramathipadi_I

Giới tăng lữ Phật giáo và những người dân chủ yếu theo đạo Phật đã giận dữ và căm ghét nhà vua bởi họ bị phân biệt đối xử, đạo Phật đã bị đạo Hồi thay thế làm quốc giáo. Ông bị người dân Khmer nguyền rủa là tên vua vô đạo.

Năm 1658, 2 người con còn sống sót của Preah OuteyAng Sur và em là Ang Tan dấy binh chống lại Ibrahim nhưng thất bại. Hai người này tìm kiếm lời khuyên của Thái hậu Ngọc Vạn, lúc này đã quy y cửa Phật. Được bà khuyên, Ang Sur và Ang Tan đã cầu cứu chúa Nguyễn Phúc Tần.

Chúa Nguyễn sai Phó tướng Trấn Biên là Tôn Thất Yến, Cai đội là Xuân Thắng, Tham mưu là Minh Lộc (2 người đều không rõ họ) đem 3.000 quân đến thành Hưng Phước (bấy giờ gọi là Mỗi Xuy, nay thuộc huyện Phước Chính, tỉnh Biên Hòa).

Dân chúng và quân đội Khmer đã không còn ủng hộ Ibrahim từ khi ông theo đạo Hồi. Do đó, ông gần như mất hết sự ủng hộ ngoài người theo đạo Hồi thiểu số ở Chân Lạp.

Quân Nguyễn và Khmer do anh em Ang Sur, Ang Tan lãnh đạo sau đó tiến đánh và bắt được Nặc Ông Chân (Ibrahim), áp giải về Đàng Trong.

Ang Sur giành được ngôi vua, hiệu là Barom Reachea VIII, đổi lại ông thần phục Đàng Trong và thực hiện triều cống định kỳ.

Năm sau (1659), Nặc Ông Chân đã được phóng thích vì chúa Nguyễn muốn ông ta gây ảnh hưởng lên người kế nhiệm, nhưng Chân đã chết trên đường trở về vương quốc. Chân sau đó được các nhà sư Phật giáo Khmer hỏa táng theo nghi thức Phật giáo, dù rằng ông đã chuyển sang đạo Hồi. Tro cốt của ông được chôn cất trong một ngôi chùa ở Sài Gòn[2].

Cái chết của Chân cũng chấm dứt cơ hội lớn để chi phối vương triều Chân Lạp và biến Hồi giáo thành quốc giáo của người theo đạo Hồi. Tuy vậy, người Hồi giáo (Chăm, Malay, Chvea) sau này vẫn tiếp tục đóng góp các vai trò quan trọng trên chính trường Chân Lạp. Họ là các nhóm binh lính trung thành, chuyên làm nhiệm bảo vệ các vị hoàng tử, hoàng thân Chân Lạp.